Tranh cãi bỏ thi năng khiếu trong tuyển sinh kiến trúc

Tranh cãi bỏ thi năng khiếu trong tuyển sinh kiến trúc

(www.nesthome.vn) – Theo nhà trường, việc bỏ thi năng khiếu để tạo điều kiện học tập cho nhiều thí sinh đam mê kiến trúc nhưng chưa có cơ hội học vẽ ở bậc phổ thông.

Trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2020 cho hệ ĐH chính quy. Điểm mới đáng chú ý là việc dự kiến bỏ kỳ thi năng khiếu (vẽ mỹ thuật) trong tuyển sinh đầu vào của ngành kiến trúc gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn.

Bỏ thi năng khiếu, chỉ xét tuyển môn văn hóa

Theo phương án tuyển sinh dự kiến, năm 2020 Trường ĐH Bách khoa tuyển 75 chỉ tiêu cho ngành kiến trúc. Trường sẽ thực hiện xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hai tổ hợp A01 (toán, lý,  Anh), C01 (toán, văn, lý).

Đây là năm đầu tiên trường bỏ thi năng khiếu đầu vào cho ngành này. Trường cũng không lấy kết quả thi môn vẽ của trường khác để xét tuyển.

Bên cạnh đó, cũng như các ngành khác, trường còn dành chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức khác cho ngành kiến trúc như xét điểm thi đánh giá năng lực và ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển thẳng.

Lý giải về điểm mới khi bỏ thi năng khiếu, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo của trường, cho rằng ngay từ khi xây dựng ngành kiến trúc ở trường, phần thi năng khiếu đã được xác định là năng khiếu vẽ đầu tượng. Khi cải tiến tuyển sinh dần dần, phần thi vẽ được giảm tỉ lệ (trong bài thi năng khiếu vẽ) và chuyển dần sang đánh giá năng lực về góc nhìn kiến trúc (phần thi bố cục tạo hình).

Phía nhà trường cũng cho rằng việc bỏ kỳ thi năng khiếu này nhằm tạo thêm cơ hội cho các thí sinh đam mê kiến trúc nhưng chưa có cơ hội học vẽ ở bậc phổ thông. Khi trúng tuyển, thí sinh sẽ được kiểm tra đánh giá năng lực kiến trúc để bố trí học tập cho phù hợp.

Được biết ngành kiến trúc thuộc khoa Kỹ thuật xây dựng và đào tạo một chuyên ngành về kiến trúc dân dụng và công nghiệp. Thời gian đào tạo 4,5 năm (chín học kỳ) với tổng 171 tín chỉ. Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng kiến trúc sư (KTS).

Công nghệ phát triển, bỏ thi vẽ là phù hợp?

Ngay sau khi công bố phương án dự kiến, những thông tin này lập tức thu hút nhiều ý kiến trái chiều trong giới chuyên môn.

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng kiến trúc là ngành có sự kết hợp giữa khoa học kỹ thuật và nghệ thuật. Có tố chất kỹ thuật và nghệ thuật mới có thể trở thành một KTS giỏi. Tuyển sinh đầu vào cũng vậy, nó thể hiện qua môn toán, vật lý và môn vẽ. Nếu bỏ năng khiếu vẽ thì có thể tuyển sinh dễ, ai thích cũng vào được nhưng làm sao đào tạo ra những KTS thực sự, việc đào tạo làng nhàng kiểu sao cũng được thì đâu cần phân ngành kiến trúc.

Về vấn đề này, PGS-TS-KTS Lê Văn Thương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho rằng năng khiếu hội họa là yếu tố quan trọng để chọn được người có khả năng sáng tạo, thể hiện được ý tưởng chuyển họa. Tuy nhiên, ngày nay công nghệ kỹ thuật phát triển, có nhiều cách để đánh giá năng khiếu này, ngoài vẽ tay thì có thể đánh giá khả năng vẽ máy qua công nghệ, tùy cách của mỗi trường đặt ra.

“Đã là kiến trúc thì phải có khả năng hội họa, không vẽ tay cũng phải vẽ máy. Đây là cơ sở để đánh giá người có khả năng, có đầu óc sáng tạo và là năng lực thể hiện ý tưởng của họ. Nó giúp người thực hiện ý tưởng dễ dàng, thuận lợi hơn, còn không sẽ gặp rất nhiều khó khăn” – PGS-TS-KTS Lê Văn Thương nói.

Đồng tình với thay đổi này, KTS Khương Văn Mười (Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam) cho rằng theo đề tài nghiên cứu về đào tạo KTS ở các nước Đông Nam Á của một KTS người Nhật Bản, hiện nay chỉ có ở Việt Nam mới có thi năng khiếu vào ngành kiến trúc.

Theo KTS Mười, ngày xưa phải vẽ bằng tay nên đòi hỏi năng khiếu vẽ nhiều hơn. Nhưng ngày nay, công nghệ hỗ trợ rất nhiều, có nhiều phần mềm thể hiện thay thế được, chỉ cần bấm chuột là có tất cả.

“Kiến trúc mới bây giờ đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật và mỹ thuật nhiều. Nên với một KTS, ngoài năng khiếu cần phải có công nghệ thông tin và tư duy sáng tạo. Tất nhiên, KTS có năng khiếu thì vẫn thuận lợi hơn, nhìn nhận vấn đề trên hình vẽ nhanh hơn nhưng không phải yếu tố quyết định. Do đó, việc bỏ thi năng khiếu cũng là một đổi mới cho phù hợp” – KTS Mười nói.

Ngoài ra, theo KTS Mười, việc xét tuyển bổ sung môn văn cũng là cần thiết. Bởi một KTS giỏi vẽ mà không biết nói, không biết truyền tải ý tưởng đó thì cũng không được.

KTS Khương Văn Mười cũng cho rằng việc đổi mới này cũng là tạo cơ hội, môi trường và điều kiện học tập cho tất cả các em. Bởi có những em muốn học nhưng có thể do năng lực, hoàn cảnh… khiến các em chưa phát triển được.

“Nếu các em muốn thì các em cứ được học, trường có thể đào tạo theo khả năng của mỗi người. Các em học giỏi, phát huy được khả năng thì trở thành KTS, còn nếu học không tốt thì có thể trở thành KTS thiết kế thôi. Một nhà thiết kế giỏi chưa chắc đã thua KTS” – KTS Mười chia sẻ.

Trên cả nước hiện nay có hơn 10 trường ĐH đào tạo ngành kiến trúc. Trong tổ hợp xét tuyển đầu vào luôn có môn năng khiếu vẽ.

Năm 2020, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đào tạo 15 ngành, trong đó có 11 ngành tuyển sinh đều yêu cầu thi môn năng khiếu. Nếu xét tuyển thẳng, đối với các ngành năng khiếu, chỉ xét tuyển thí sinh có điểm môn năng khiếu do trường tổ chức thi năm 2020, có kết quả thi từ 5 điểm trở lên. Nếu xét học bạ, điểm thi vẽ sẽ nhân 1,5 khi tính điểm.

Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tuyển 100 chỉ tiêu chung cho nhóm ngành kiến trúc. Trường tuyển ngành này theo hai phương thức với ba tổ hợp, trong đó trường sẽ ưu tiên điểm thi môn vẽ nghệ thuật (vẽ, toán, vật lý), (vẽ, toán, tiếng Anh), (vẽ, toán, ngữ văn). Với xét học bạ, trường yêu cầu các môn trong tổ hợp (như trên) phải trên 18 điểm và không có môn nào dưới 5 điểm.

Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội năm 2020 tuyển 600 chỉ tiêu cho nhóm ngành kiến trúc. Đặc biệt, nhóm ngành này tuyển sinh theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp thi tuyển năng khiếu.

 

 

No Comments

Post a Comment

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay